Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não xảy ra khi động mạch đưa máu đến não bị nghẹt hoặc bị vỡ, kết quả là máu không được đưa đến não, các tế bào không được tiếp tế cần thiết kịp thời. Nếu chuyện này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, các tế bào não có thể căng thẳng nhưng vẫn hồi phục được; nhưng nếu khoảng thời gian này dài hơn 3-4 phút, chúng có thể chết và gây nên những tổn thương vĩnh viễn ở não. Trong một số trường hợp đột quỵ, có những vùng não khác có thể nhanh chóng học và làm thay phần việc của những vùng đang bị tổn thương.
Có 2 dạng đột quỵ:
Đột quỵ nhồi máu não – chiếm khoảng 80% số ca đột quỵ, xảy ra khi trong một mạch máu đến não bị xuất hiện cục máu đông, làm tắc nghẽn đường lưu thông máu.
Đột quỵ chảy máu não – chiếm 20% số ca còn lại, tuy ít gặp hơn nhưng nghiêm trọng hơn, xảy ra khi một mạch máu bị yếu và vỡ, khiến những tế bào não xung quanh đó bị tổn thương.
Làm sao để bạn biết mình có nguy cơ bị đột quỵ hay không?
Có 2 dạng nguy cơ: loại kiểm soát được và không kiểm soát được.
Những nguy cơ có thể kiểm soát bao gồm:
Huyết áp cao – những người có huyết áp từ 140/90 trở lên sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn, do áp lực máu lên thành động mạch quá lớn có thể làm suy yếu động mạch. Người trưởng thành nên cố gắng giữ huyết áp của mình ở mức lý tưởng nhất là từ 120/80 trở xuống;
Chứng xơ vữa động mạch – mỡ đóng lại ở thành động mạch sẽ làm hẹp hoặc nghẽn động mạch, và cũng có thể dẫn đến đột quỵ;
Bệnh tim – bệnh tim mạch vành, suy tim, bệnh cơ tim giãn và các bệnh về tim khác cũng làm tăng đáng kể nguy cơ;
Cholesterol cao – tình trạng này làm tăng nguy cơ bệnh tim và xơ vữa động mạch, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ;
Hút thuốc – việc làm này làm giảm lượng oxy trong máu, buộc tim phải hoạt động vất vả hơn, cũng như khiến các cục máu đông dễ hình thành. Không chỉ vậy hút thuốc còn có thể làm tình trạng xơ vữa động mạch trở nên nghiêm trọng hơn. Theo các chuyên gia, những người hút thuốc bị nguy cơ cao gấp 2 lần những người không hút thuốc;
Bệnh tiểu đường – những người bị tiểu đường thường cũng bị nhiều vấn đề sức khỏe khác là nguy cơ dẫn đến đột quỵ, chẳng hạn như huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh tim…
Thừa cân, béo phì cùng với lối sống thụ động làm tăng nguy cơ huyết áp cao và tiểu đường;
Các rối loạn về máu, chẳng hạn như bệnh tế bào hình liềm hoặc thiếu máu nặng nếu không được can thiệp, chữa trị sẽ có thể gây đột quỵ;
Uống rượu bia quá nhiều;
Dùng ma túy, chất kích thích;
Thậm chí một số phụ nữ trên 35 tuổi hoặc có huyết áp cao cũng bị tăng nguy cơ hơn khi sử dụng thuốc tránh thai hoặc miếng dán tránh thai.
Những nguy cơ không kiểm soát được:
Tuổi tác – Tình trạng đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, thậm chí với cả trẻ con, nhưng thường xảy ra hơn khi chúng ta già hơn. Mỗi 10 năm sau khi qua tuổi 55, nguy cơ đột quỵ tăng thêm gấp đôi;
Giới tính – Tình trạng đột quỵ phổ biến hơn ở nam giới, tuy nhiên số trường hợp tử vong do đột quỵ ở nữ lại chiếm nhiều hơn;
Chủng tộc – Những người Mỹ gốc Phi dễ tử vong do đột quỵ hơn so với những người da trắng;
Lịch sử bệnh gia đình – Nguy cơ đột quỵ của một người cao hơn nếu ông bà, bố mẹ, anh chị em của người đó từng bị đột quỵ, hoặc từng bị đau tim khi còn trẻ;
Tiền sử bị đột quỵ hoặc đau tim;
Cơn thiếu máu cục bộ tạm thời (TIA) có thể báo trước một cơn đột quỵ nhồi máu não. Những dấu hiệu của tình trạng này gần giống với một cơn đột quỵ thực sự nhưng thường chỉ kéo dài nhiều phút hoặc nhiều giờ và không có hậu quả kéo dài. Tuy nhiên đây vẫn là một cảnh báo nghiêm trọng và bạn không được bỏ qua, theo thống kê thì có tới 33% những người bị TIA sẽ bị đột quỵ.
Động mạch bất thường – Nguy cơ đột quỵ chảy máu não tăng lên nếu một người bị chứng phình mạch, hoặc dị dạng động tĩnh mạch não;
Loạn sản cơ sợi – khiến một số động mạch phát triển bất thường. Các mô xơ phát triển ở thành động mạch khiến chúng bị hẹp đi, và kết quả là lưu lượng máu chảy qua cũng bị giảm đi và có thể dẫn đến đột quỵ;
Lỗ hở bầu dục (PFO) thường không có dấu hiệu, và ảnh hưởng đến khoảng 15-20% người trên thế giới. Cục máu đông có thể đi qua lối này đến não và gây đột quỵ. Những người bị tình trạng này có thể bị đột quỵ mà không có các yếu tố nguy cơ rõ ràng.
Nếu bạn có hoặc nghi ngờ mình có nguy cơ đột quỵ như đã nêu ở trên, hãy nói chuyện với bác sỹ để biết cách kiểm soát chúng cũng như biết cách xử trí cần thiết.