Có những điều cực kỳ đơn giản nhưng lại cực kỳ quan trọng, thiết thực, có thể thay đổi mọi thứ! Đôi khi chỉ cần dành ra 1 phút ngắn ngủi thôi là bạn đã có thể bảo vệ tính mạng của mình, những người thân yêu, và cả những người khác xung quanh mình!
Đã có cách giúp chúng ta nhận biết dấu hiệu của cơn đột quỵ!
Trong một buổi tiệc BBQ, một phụ nữ bị trượt chân ngã, mọi người xung quanh đề nghị gọi bác sỹ nhưng chị trấn an, cho rằng chỉ tại mang giày mới chưa quen nên bị vấp một chút thôi chứ không có vấn đề gì đâu. Nghe vậy, mọi người cũng thôi, chỉ giúp chị phủi sạch bụi bẩn, kiểm tra xem có xây xát gì không, và cuộc vui tiếp diễn như bình thường.
Tuy nhiên tối hôm đó, chồng của người phụ nữ này gọi điện thoại thông báo rằng vợ của anh đã phải nhập viện cấp cứu và đã qua đời. Chị đã bị đột quỵ tại bữa tiệc BBQ, và phải chi chỉ cần một người trong số những người tham gia có kiến thức cơ bản về cơn đột quỵ, điều đáng tiếc này đã không xảy ra. Nếu có thể nhận biết sớm, nhiều người trong chúng ta đã không chết, hoặc không hôn mê.
Bây giờ chưa phải là quá muộn, hãy cùng dành ra một phút để đọc, và chia sẻ!
Các bác sỹ chuyên khoa thần kinh nói rằng nếu bệnh nhân bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện trong vòng 3 giờ đồng hồ, người ấy sẽ có thể được cứu sống và hoàn toàn không phải chịu hậu quả nào từ cơn đột quỵ – khoảng thời gian càng kéo dài bao nhiêu thì não của người ấy sẽ càng bị tổn thương nghiêm trọng hơn bấy nhiêu. Tuy nhiên điều này xảy ra chưa nhiều, do nhiều người bình thường chúng ta chưa biết cách nhận diện dấu hiệu nguy hiểm để kịp thời xử lý.
Thật sự chúng ta hầu hết không phải là người có chuyên môn và hiểu biết đủ về y tế, đặc biệt là về những cơn tai biến – đột quỵ. Vậy nên, các chuyên gia đưa ra cho chúng ta một mẹo đơn giản mà vô cùng hữu ích, gọi tắt là STR để nhận biết khi nghi ngờ ai đó đang gặp phải vấn đề:
- S (smile) – Yêu cầu mỉm cười.
- T (talk) – Yêu cầu nói chuyện, nói một câu thật đơn giản thôi cũng được.
- R (raise both arms) – Yêu cầu giơ cả 2 cánh tay lên.
Mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ diễn ra ở mỗi người, mỗi tình huống là khác nhau, có người không thể dễ dàng thực hiện được bất cứ yêu cầu nào trên đây nhưng cũng có người làm được đến 2/3 – và kể cả như vậy, bạn cũng cần lập tức hành động, hãy gọi ngay cấp cứu hoặc đưa ngay họ đến bệnh viện gần nhất.
Bạn cũng có thể áp dụng một cách nhận diện khác: yêu cầu người này thè lưỡi ra. Nếu lưỡi đưa ra bị lệch về một bên (có thể là bên trái hoặc phải), đó cũng là dấu hiệu nguy hiểm.
Lưu ý rằng hãy thật tranh thủ khoảng thời gian vàng – 3 tiếng kể từ khi cơn đột quỵ diễn ra – bằng cách tìm ngay sự trợ giúp chuyên môn thay vì áp dụng những cách tự chữa trị được truyền miệngnhư nặn chanh vào miệng, cạo gió, chích máu 10 đầu ngón tay… vì các chuyên gia nói rằng những cách sơ cứu này hoàn toàn phản khoa học nhé, đã không hữu ích mà còn làm mất đi khoảng thời gian vô cùng quý báu đối với việc cứu sống mạng người!
Bạn có biết là cứ mỗi 40 giây lại xảy ra 1 cơn đột quỵ? Tổn thương có thể là tạm thời hoặc lâu dài, mức độ tùy thuộc nhiều vào cách bạn nhận biết và phản ứng khi những dấu hiệu của cơn đột quỵ xảy ra – bệnh nhân càng sớm được điều trị bao nhiêu thì nguy cơ tổn thương não càng được giảm đi bấy nhiêu.
Và những dấu hiệu đó là:
- Cảm thấy tê, yếu đi ở mặt, cánh tay, chân, đặc biệt là thiên về một bên;
- Bị bối rối, khó nghe và hiểu được người khác nói gì;
- Gặp khó khăn khi nói năng;
- Gặp khó khăn khi nhìn bằng một hoặc cả hai mắt;
- Gặp khó khăn khi giữ thăng bằng, phối hợp cơ thể, khi đi lại;
- Choáng váng chóng mặt;
- Bị đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
Đôi khi những dấu hiệu này xuất hiện và phát triển từ từ, nhưng nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào trên đây, hãy đặc biệt lưu tâm, đừng chủ quan bỏ qua!
Những dạng đột quỵ:
Những dấu hiệu của cơn đột quỵ có thể khác nhau, tùy thuộc vào bạn bị đột quỵ dạng nào, diễn ra ở vùng nào trong não, và mức độ nghiêm trọng của nó ra sao. Có những dạng đột quỵ như:
Đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi mạch máu đưa máu đến não bị nghẽn, có thể do nhiều lý do khác nhau chẳng hạn như sự tích tụ mỡ ở động mạch (xơ vữa động mạch) làm hình thành những cục máu đông. Đôi khi, cục máu đông này được hình thành ở tim do có nhịp tim đập bất thường (rung nhĩ), rồi từ đó mới di chuyển đến nơi làm tắc nghẽn động mạch máu não.
Đột quỵ chảy máu não xảy ra khi một mạch máu suy yếu, bị vỡ và gây xuất huyết não, cũng có nhiều lý do có thể dẫn đến tình trạng này.
Cơn thiếu máu não cục bộ tạm thời (TIA) tuy không gây ra tổn thương não lâu dài nhưng có những dấu hiệu có thể kéo dài nhiều phút, thậm chí nhiều giờ và bạn cũng không được bỏ qua.
Lúc phát hiện thấy dấu hiệu đột quỵ, bạn nên làm gì?
Hãy nhớ đột quỵ là một tình huống khẩn cấp, vậy nên ngay khi nhận ra dù chỉ 1 dấu hiệu như đã nói ở trên, dù cho nó có dịu đi thì cũng hãy:
- Phản ứng ngay, khi này mỗi phút đều quý giá!
- Gọi cấp cứu hoặc đến ngay phòng cấp cứu gần nhất!
- Lưu ý đến thời gian khi những dấu hiệu bắt đầu xuất hiện, bạn sẽ cần cung cấp thông tin này cho bác sỹ.
Nếu bạn gặp trường hợp nghi ngờ bị đột quỵ nhưng lại không chắc chắn, cũng hãy gọi ngay cấp cứu. Một số người có thể gạt đi và cho rằng bạn đang làm quá mọi chuyện lên, đặc biệt là chính nạn nhân, họ có thể coi nhẹ vấn đề của mình và không muốn phiền người khác. Nhưng bạn hãy nghĩ, điều tệ nhất có thể xảy ra nếu đây thật sự là một cơn đột quỵ là gì? Chuyến đi đến bệnh viện này có thể không cần thiết, nếu vậy thì thật may, nhưng nếu ngược lại… đừng khiến mình phải ân hận vì đã không dứt khoát!