Lưỡi là cơ quan vị giác giúp chúng ta có thể cảm nhận được mùi vị của các loại thức ăn và nước uống đưa vào. Bên cạnh chức năng chính này thì việc cảm nhận mùi vị của lưỡi còn giúp chúng ta sớm phát hiện ra một số trục trặc về sức khỏe trong cơ thể người. Đặc biệt khi lưỡi phát ra tín hiệu có vị đắng và tình trạng này kéo dài ngay cả khi bạn không có dấu hiệu bệnh tật hoặc không ăn uống thứ gì. Khi cảm thấy đắng miệng có vị đắng thì bạn cần thận trọng hơn với các căn bệnh về gan mật.
Thông thường khi bạn bị ốm, sốt hoặc sức khỏe yếu miệng thường có cảm giác đắng và cảm giác này dần mất đi khi sức khỏe bạn hồi phục thì vấn đề này không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài và ngay cả khi sức khỏe của bạn bình thường vẫn có cảm giác đắng miệng thì cần đặc biệt chú ý vì đây là dấu hiệu cảnh báo gan của bạn đang có vấn đề.
Một trong những chức năng quan trọng mà gan đảm nhận đó chính là sản xuất và tiết ra dịch mật để tiêu hoá thức ăn, vì vậy dịch mật này có thể tiết ra lúc bạn ăn hoặc ngay cả khi không ăn để sẵn sàng chờ thức ăn vào tiêu hoá. Khi chức năng gan bị suy giảm, quá trình chuyển hoá dịch mật bị rối loạn khiến chúng ta luôn có cảm giác đắng trong miệng. Ngoài đắng miệng còn xuất hiện thêm các triệu chứng phụ khác như lưỡi chuyển sang màu ngả vàng, tinh thần mệt mỏi, hay bị chóng mặt, đau đầu…
Miệng đắng thấy nhiều ở chứng viêm gan, viêm mật cấp tính, liên quan đến sự trao đổi chất của dịch mật. Miệng đắng còn có thể thấy trong bệnh ung thư; người bệnh không chỉ mất cảm giác với đồ ngọt mà còn tăng dần cảm giác đắng với mọi đồ ăn. Điều này liên quan tới việc thay đổi thành phần trong nước bọt và trở ngại tuần hoàn huyết dịch ở lưỡi.
Đắng miệng không chỉ xảy ra vào buổi sáng mà xảy ra vào tất cả các thời điểm trong ngày. Miệng luôn có vị đắng cả khi ăn và không ăn, mất vị giác với mọi đồ ăn, không còn cảm giác ngon miệng khiến người bệnh không thiết ăn uống, chán ăn, sức khỏe giảm sút.
Dịch mật tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn, giúp hấp thu chất béo nên khi chức năng gan suy giảm, giảm tiết mật sẽ dẫn đến ăn không tiêu, bụng đầy trướng, sợ thức ăn đặc biệt là các món nhiều dầu mỡ, rối loạn tiêu hóa, đau tức vùng gan (hạ sườn phải).
Đắng miệng cũng như các rắc rối về tiêu hóa thường gặp ở các trường hợp chức năng gan suy giảm do các bệnh lý về gan như viêm gan cấp và mãn tính, gan nhiễm mỡ, xơ gan hoặc các trường hợp gan phải làm việc “quá tải” trong thời gian dài như người hay uống rượu bia, uống nhiều thuốc tây, thường xuyên ăn các đồ ăn nhiều dầu mỡ.
Ngoài ra, miệng đắng còn có thể thấy trong chứng bệnh ung thư. Người bệnh ung thư không chỉ mất cảm giác với đồ ngọt mà còn có cảm giác đắng ngày một tăng với mọi đồ ăn, điều này có quan hệ tới việc thay đổi thành phần trong nước bọt và trở ngại tuần hoàn huyết dịch ở lưỡi của bệnh nhân.
Theo Đông y, người có cảm giác đắng trong miệng, thường kèm cả chứng đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, tính tình nóng nảy dễ cáu giận, đại tiện táo bón, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng và vàng, mạch huyền… phần nhiều do gan, mật nhiệt gây nên. Người thấy đắng miệng thường có các chứng hàn nhiệt trở đi trở lại, phiền muộn, buồn nôn, ngán ngẩm không thiết ăn uống, nước tiểu đỏ vàng phần nhiều do nhiệt ở mật gây nên.
Khi bị đắng miệng thì bạn cần phải làm gì?
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra chức năng gan, mật…
– Nên chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.
– Sau khi ăn xong thì không nên nằm ngay mà nên đứng thẳng hoặc ngồi, cũng không nên vận động mạnh, cần có thời gian để dạ dày hoạt động.
– Có chế độ ăn uống khoa học: uống đủ nước, nên ăn nhiều rau xanh, không nên ăn các loại thực phẩm đồ uống có hại cho gan như rượu, bia, đồ đóng hộp, đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ…
– Không nên tự ý mua thuốc về sử dụng, cần tuân theo chỉ định và liều lượng của bác sĩ. Một số loại thuốc được bài tiết một phần qua nước bọt sau khi hấp thụ vì vậy sẽ làm miệng đắng thêm.
Đắng miệng là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau trong đó các bệnh lý về gan mật chiếm nhiều nhất và mức độ bệnh nghiêm trọng nhất, vì vậy khi triệu chứng đắng miệng xuất hiện thường xuyên kèm theo cơ thể mệt mỏi, đau đầu chóng mặt thì bạn nên đến các cơ sở, trung tâm y tế kiểm tra sức khỏe để chuẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời tránh để bệnh có những biến chứng xấu thành u gan, xơ gan, ung thư gan.
Sưu tầm và chia sẻ